3 phẩm chất và 8 năng lực với học sinh THCS và THPT
- Thứ hai - 06/03/2017 09:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 5-8, Bộ GD&ĐT chính thức công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTTT, còn gọi CT giáo dục phổ thông (GDPT) mới) để đưa ra lấy ý kiến đóng góp của xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, CTTT được kế thừa và phát huy những ưu điểm của CT và sách giáo khoa (SGK) hiện hành nhưng đồng thời cũng khắc phục những hạn chế, bất cập của CT cũ.
“CTTT đã được soạn thảo, trao đổi và chỉnh sửa rất nhiều lần trong vòng ba năm qua, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu giáo dục, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông đến từ trong nước và quốc tế” - ông Hiển cho biết.
Giáo dục cơ bản bắt buộc chín năm
Theo dự thảo, CTTT 12 năm gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản bắt buộc (gồm cấp tiểu học năm năm và cấp THCS bốn năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT ba năm).
Mục tiêu của CT mới nhằm phát triển phẩm chất và năng lực người học. Hệ thống các môn học được thiết kế theo hướng tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên. Các môn học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn.
Ở tiểu học và THCS, hình thành các môn học tích hợp KHTN, KHXH. Ở cấp THPT, CT phân hóa mạnh, học sinh (HS) học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng phù hợp với sở thích và định hướng về hướng nghiệp sau này.
Bên cạnh đó, CT còn đưa vào hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho tất cả HS từ lớp 1 đến lớp 12, giúp HS vận dụng những kiến thức, kỹ năng, thái độ đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống.
Một điểm đáng chú ý là sẽ thực hiện chủ trương một CT nhiều SGK; có thời lượng dành cho giáo dục địa phương; nhà trường được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục hằng năm.
Ảnh: HTD |
Ba phẩm chất và tám năng lực
Lần đầu tiên trong CTTT, Bộ GD&ĐT cụ thể hóa mục tiêu giáo dục thành hệ thống phẩm chất và năng lực cần đạt với những biểu hiện cụ thể theo từng cấp học. Đây là điểm mới mà các CT giáo dục lần trước chưa có.
Theo đó, CT phải hình thành và phát triển cho HS ba phẩm chất chủ yếu là sống yêu thương; sống tự chủ và sống trách nhiệm.
Đồng thời, CT phải hình thành và phát triển cho HS tám năng lực chung chủ yếu là: Năng lực tự học; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mỹ; năng lực thể chất; năng lực giao tiếp; năng lực hợp tác; năng lực tính toán và năng lực công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, mục tiêu các cấp trong CT GDPT hiện hành chỉ nêu khái quát chung, còn trong CT mới mục tiêu giáo dục theo từng cấp học sẽ có những điểm mới. “Ví dụ, cấp tiểu học không chỉ chú ý chuẩn bị cho HS những cơ sở ban đầu của việc hình thành và phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học THCS, mà còn phát triển phẩm chất, năng lực và nhấn mạnh định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt” - ông Hiển nói.
Mục tiêu giáo dục cấp THCS không chỉ nhằm giúp HS củng cố, phát triển các kết quả giáo dục (đạt được về phẩm chất và năng lực) ở tiểu học mà còn xác định cụ thể định hướng giáo dục; HS biết tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng.
Ở cấp THPT, CT mới giúp HS có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển và phát huy năng lực cá nhân. “Ngoài ra, CT còn giúp HS hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích” - ông Hiển nhấn mạnh.
Nhiều môn học mới
CT GDPT mới có các môn học có nội dung kế thừa CT hiện hành và bổ sung các nội dung mới hoặc tích hợp, lồng ghép các nội dung liên quan trong một môn học.
Ở cấp tiểu học, có thêm môn cuộc sống quanh ta (từ lớp 1 đến lớp 3), nội dung vừa kế thừa CT môn tìm hiểu tự nhiên và xã hội trong CT hiện hành, vừa bổ sung và phát triển theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực HS.
Môn giáo dục lối sống (từ lớp 1 đến lớp 5) vừa kế thừa nội dung CT môn giáo dục đạo đức và phát triển, bổ sung, thiết kế lại theo yêu cầu mới.
Ở cấp THCS, có môn KHTN tích hợp các chủ đề của các môn vật lý, hóa học, sinh học, khoa học Trái đất, đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn. Môn KHXH tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về lịch sử, địa lý; đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo...
Ở cấp THPT, môn học mới là công dân với Tổ quốc gồm các nội dung chủ yếu là giáo dục nhân cách công dân và giáo dục về quốc phòng - an ninh.
Môn KHXH (dành cho HS lớp 10 và 11 theo định hướng KHXH không học các môn lịch sử, địa lý). Môn KHTN (dành cho HS lớp 10 và 11 theo định hướng KHXH, không học các môn vật lý, hóa học, sinh học).