Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Nâng cao vai trò cán bộ quản lý

Chủ nhật - 05/03/2017 16:54
Ngày 1-3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh”. Tham dự có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các nhà giáo lão thành, nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ, giáo viên, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tại hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ những băn khoăn, trăn trở, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn và tâm huyết cho việc nâng cao chất lượng GD-ĐT của tỉnh. 14 báo cáo tham luận đã gợi mở những sáng kiến, cách làm hiệu quả ở các đơn vị, địa phương. Chẳng hạn như kinh nghiệm trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý GD trên địa bàn TP. Cam Ranh; đổi mới phương pháp dạy và học môn Lý luận chính trị của Trường Đại học Khánh Hòa và môn ngoại ngữ của Trường THPT Trần Cao Vân (thị xã Ninh Hòa); nâng cao hiệu quả công tác quản lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh); đổi mới cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh ở Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh); tham luận về đổi mới công tác kiểm định chất lượng GD của TS. Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT…

Đa số ý kiến đồng tình, đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trước hết phải tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý GD. Đây là yếu tố then chốt, có tính quyết định trong việc nâng cao chất lượng GD. Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về GD. Theo đó, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng; xác định và thể chế hóa vai trò, chức năng nhiệm vụ của các cấp quản lý GD, các đơn vị trường học; tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý chuyên môn ở các cấp; trong đó, giao quyền tự chủ cho các đơn vị trong việc thực hiện chương trình, đổi mới phương pháp dạy và học. “Ngành sẽ tiến hành luân chuyển cán bộ quản lý GD và giáo viên để nâng cao chất lượng của các trường. Đặc biệt, luân chuyển giáo viên trường chuyên, các trường chất lượng cao nếu không đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Bên cạnh đó, xây dựng đề án triển khai thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng ở các đơn vị trực thuộc”, ông Tứ nhấn mạnh.
  
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
 
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Khâu đột phá đầu tiên trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là đổi mới đội ngũ cán bộ quản lý GD, trong đó quan trọng nhất là nâng cao chất lượng GD chính trị tư tưởng và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ quản lý. Về đổi mới phương pháp dạy và học, các tham luận tại hội thảo thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác này, trong đó phải chuyển mạnh từ việc trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; đổi mới công tác kiểm định chất lượng GD. Tôi đề nghị Sở GD-ĐT tiếp thu các tham luận, ý kiến góp ý tại hội thảo để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 29.

Ngành GD-ĐT cũng đề ra giải pháp tăng nguồn đầu tư cho GD-ĐT đúng với yêu cầu là quốc sách hàng đầu trên cả 3 lĩnh vực: tài chính, đội ngũ và cơ chế chính sách, bảo đảm tăng chi ngân sách cho GD luôn cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước, với tỷ lệ chi cho con người không thấp hơn 80% trong cơ cấu chi ngân sách GD. Mặt khác, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật các trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và tiếp cận dần mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp, coi đây là một trong những điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng GD. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết tình trạng trường, lớp thiếu sân chơi, bãi tập, phòng thư viện, phòng thí nghiệm thực hành, thiết bị giảng dạy và học tập, khu vệ sinh, nhà công vụ bảo đảm đủ chỗ ở cho giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa; quan tâm việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cho Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi để nâng cao chất lượng GD sánh cùng với các trường: THPT Lý Tự Trọng, THPT chuyên Lê Quý Đôn nhằm giảm áp lực tuyển sinh ở các trường này.
 
Công tác xã hội hóa GD cũng cần được đẩy mạnh thông qua việc khuyến khích đa dạng hóa các loại hình GD, các nguồn đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở GD ngoài công lập; đa dạng hóa các loại hình trường lớp, loại hình GD-ĐT, huy động nguồn lực để xây dựng một số cơ sở GD chất lượng cao.

Đổi mới GD-ĐT còn gắn với nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy tại nhà trường. Trong đó, tăng cường ứng dụng của công nghệ thông tin để quản lý điểm số học sinh; xây dựng quy chế sử dụng học bạ điện tử, tuyển sinh, theo dõi kết quả học tập. Cùng với đó là việc tăng cường liên kết với các cơ sở GD đại học, trường chuyên, trường chất lượng cao trong nước để hợp tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, trao đổi kinh nghiệm quản lý; xây dựng đề án mời người nước ngoài vào giảng dạy tiếng Anh cho học sinh các cấp; nâng cao năng lực cho giáo viên để đáp ứng việc giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh tại các trường chất lượng cao, trường chuyên của tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh: “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là sự đổi mới về mọi mặt, từ sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước, sự tham gia của cộng đồng xã hội cho đến chính bản thân người dạy và người học. Do đó, nhiệm vụ này không chỉ của riêng ngành GD mà đòi hỏi sự nỗ lực, góp sức của cả hệ thống chính trị, xã hội, của toàn Đảng, toàn dân”.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4-11-2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chất lượng giáo dục được nâng lên từng bước; riêng cấp THPT có những trường đứng vào tốp các trường chất lượng cao của cả nước như: THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang), THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa). Tỉnh cũng luôn nằm trong tốp các địa phương có tỷ lệ đỗ đại học cao của cả nước…

Tuy nhiên, việc phát triển GD-ĐT ở một số mặt vẫn còn hạn chế, bất cập; chưa tương xứng với mức độ quan tâm đầu tư của tỉnh. Điều đó thể hiện ở việc đổi mới công tác quản lý nhà trường chưa có nhiều chuyển biến, một bộ phận cán bộ quản lý còn có tư tưởng trông chờ, thiếu năng động, sáng tạo. Việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực GD chưa được quan tâm đúng mức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giảng dạy chưa đạt hiệu quả…

Tác giả bài viết: Hoàng Ngân

Nguồn tin: khanhhoa.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới

Số: 466/BC-TP

BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN Về kết quả hoạt động của Trường THCS Trần Phú Năm học 2024-2025

Lượt xem:50 | lượt tải:23

Số: 17/KH-TP

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC TUẦN 17

Lượt xem:44 | lượt tải:9

Số: 16/KH-TP

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC TUẦN 16

Lượt xem:51 | lượt tải:11

Số: 15/KH-TP

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC TUẦN 15

Lượt xem:55 | lượt tải:14

Số: 14/KH-TP

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC TUẦN 14

Lượt xem:41 | lượt tải:15
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm63
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay33,302
  • Tháng hiện tại439,496
  • Tổng lượt truy cập42,020,459
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây